Nhiều người đều biết vi khuẩn H.P là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày, tuy nhiên không dừng lại ở đó, vi khuẩn H.P còn gây ra nhiều tác hại khác cho sức khỏe mà có thể bạn chưa được biết.
Tác hại của vi khuẩn H.P
Vi khuẩn H.P có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người. Vi khuẩn H.P là loại vi khuẩn sống trong dạ dày. Để có thể tồn tại, vi khuẩn H.P phải tiết ra một loại enzyme có tên Urease để trung hòa với độ acid trong dạ dày.
Vi khuẩn H.P xâm chiếm dạ dày và gây viêm dạ dày mạn tính. Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H.P không bao giờ gặp các triệu chứng lâm sàng, mặc dù bị viêm dạ dày mạn tính. Khoảng 10-20% trong số những người bị H.P xâm chiếm cuối cùng phát triển thành loét dạ dày và tá tràng và đau dạ dày . Nhiễm H.P cũng liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày 1-2% và nguy cơ mắc ung thư hạch MALT dạ dày dưới 1%.
Mặc dù có khoảng 60% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn H.P dạ dày nhưng may mắn là không phải bệnh nhân nào cũng gặp những tác hại của vi khuẩn H.P dạ dày. Trên thực tế ghi nhận có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn H.P nhưng không có triệu chứng. Điều này tùy thuộc vào chủng vi khuẩn H.P dạ dày nhiễm vào cơ thể có gây hại cho dạ dày hay không.
Nếu là chủng vi khuẩn H.P có hại cho dạ dày, có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như:
– Nguy cơ viêm loét dạ dày, tỷ lệ viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.P chiếm >10% trong tổng số trường hợp nhiễm.
– Viêm teo dạ dày, xảy ra sau khi viêm loét dạ dày kéo dài, làm xơ các mô, gây teo niêm mạc dạ dày. Viêm teo dạ dày do vi khuẩn H.P thường chiếm tỉ lệ khoảng 5%.
Vi khuẩn H.P xâm chiếm dạ dày và gây viêm dạ dày mạn tính
– Xuất huyết dạ dày, thường bắt đầu từ các vết viêm loét không được điều trị tích cực, dẫn đến lan rộng khu vực viêm loét và gây ra xuất huyết.
– Nhiễm trùng ổ loét, niêm mạc bị viêm loét thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày. Tỉ lệ nhiễm trùng ổ loét khá thấp, chỉ chưa đến 1%.
– Ung thư dạ dày do vi khuẩn H.P chiếm tỉ lệ rất thấp chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên đây là bệnh lý rất nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.
Ai dễ nhiễm vi khuẩn H.P?
Cách thức lây nhiễm H.P vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng đường lây nhiễm chủ yếu vẫn là từ người sang người qua đường tiêu hóa. Đặc biệt là nước bọt.
Như vậy trong gia đình có người bị nhiễm H.P thì cần chú ý trong ăn uống và tiếp xúc. Ví dụ như: không chấm chung bát nước chấm, không dùng chung bát, chén, muỗng, đũa, bàn chải đánh răng… Đặc biệt, trẻ em cũng dễ bị nhiễm nếu người lớn không chú ý. Và chính vì dễ lây nhiễm trong gia đình nên việc điều trị vi khuẩn này rất khó khăn, dễ tái phát.
Một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.P cao, bao gồm:
- Người đang sống tại các quốc gia đang phát triển, điều kiện y tế, vệ sinh chưa thật sự tốt.
- Sống cùng với người nhiễm vi khuẩn H.P.
- Những khu vực mật độ dân cư đông đúc.
- Cư dân tại những khu vực không được tiếp cận với nước sạch.
- Trẻ em có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.P và các vi khuẩn đường ruột cao hơn so với người trưởng thành do chưa có ý thức vệ sinh cá nhân cũng như thường có thói quen đưa tay lên miệng.
Khoảng 10-20% trong số những người bị H.P xâm chiếm cuối cùng phát triển thành loét dạ dày và tá tràng và đau dạ dày
Khi nào cần điều trị nếu nhiễm vi khuẩn H.P?
Hầu hết bệnh nhân nhiễm H.P đều không có biểu hiện lâm sàng điển hình. Chỉ có khoảng 15% tiến triển thành loét dạ dày tá tràng, ung thư. Nhưng trong bệnh loét dạ dày tá tràng có tới 60-95% trường hợp nhiễm H.P, và trong ung thư có tới 80% bị nhiễm.
Về việc điều trị H.P cũng là một vấn đề không phải dễ. H.P hiện nay có tỷ lệ kháng thuốc rất cao. Phải dùng phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết acid mạnh mới điều trị được. Và như vậy sẽ xuất hiện nhiều tác dụng phụ làm cho người bệnh ngưng điều trị nếu không được tư vấn trước.
Thời gian điều trị kéo dài (điều trị tấn công 1-2 tuần sau đó duy trì 4-6 tháng) và đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ đúng phác đồ đặt biệt là tuân theo chế độ ăn uống, cách ly….
Có rất nhiều phác đồ điều trị khác nhau tùy theo điều kiện, thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên, các thuốc trong giai đoạn tấn công có thể có 1 số tác dụng phụ như: đắng miệng liên tục, buồn nôn, tiêu chảy, có thể có đau đầu…Các triệu chứng này xuất hiện vài ngày sẽ hết nhưng cũng làm người bệnh rất khó chịu . Một số người bệnh nếu không được tư vấn kỹ có thể bỏ điều trị trong giai đoạn này.
Một lưu ý nữa mà bà con hay bỏ sót làm chất lượng điều trị giảm hoặc không thành công là: Thuốc điều trị trong bệnh lý dạ dày có loại uống trước ăn, có loại uống sau ăn chứ không phải thuốc nào cũng uống sau ăn. Bà con nên hỏi lại bác sĩ nếu trong đơn thuốc không ghi hướng dẫn cụ thể hoặc chưa biết cách uống. Sau 2 tháng điều trị bà con nên đi tái khám để kiểm tra lại tình trạng nhiễm H.P của mình.
Mặc dù điều trị HP khó khăn như đã nói ở trên, tuy nhiên nếu tình cờ phát hiện mình bị nhiễm H.P chúng ta cũng đừng quá hoang mang mà cần phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ, để có hướng dẫn cụ thể. Việc điều trị cũng tùy từng trường hợp cụ thể, không phải trường hợp nào cũng bắt buộc phải điều trị.