“Trầm cảm lâu nay không có sao bây giờ nhiều thế?” là một nhận định rất phổ biến hiện nay, khi các bệnh lý rối loạn tâm thần, điển hình như trầm cảm, được chẩn đoán nhiều hơn đáng kể.
Sau khi sinh con được một tháng, chị Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) nhận thấy mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
“Tôi bị ám ảnh bởi tiếng con khóc. Mỗi khi nghe tiếng con khóc là trong người tôi cảm thấy bồn chồn bất an, tuyệt vọng.
Ảnh minh họa
Tôi luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, dễ khóc, dễ cáu kỉnh, mất tập trung, mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực, tự buộc tội. Nhiều lúc để giải tỏa tôi phải tự làm đau bản thân bằng cách cấu véo chính mình”, chị Hương kể lại.
Bản thân chị rất muốn chia sẻ tâm trạng với người thân trong gia đình, nhưng lại trì hoãn, phần vì tự gây áp lực cho bản thân phải làm người mẹ hoàn hảo, phần vì xấu hổ, sợ mọi người chê bai, phần vì thực sự bối rối không biết diễn đạt thế nào.
Người phụ nữ này ngày càng thất vọng, bế tắc vì chị biết mọi người luôn nghĩ chị bình thường, không ai tin chị nói, mọi người cho rằng chị cố tình tô vẽ, làm quá mức lên.
“Tôi từng nghe người lớn trong gia đình nói rằng, ngày xưa sinh 4-5 đứa con có làm sao đâu, mà nay nhiều người mới sinh một đứa mà đã “làm bộ”.
Khi nhận thấy mình có dấu hiệu trầm cảm, có lần tôi nhờ mẹ đưa đến bệnh viện nhưng mẹ không ủng hộ, tôi buộc phải lén đi khám một mình”, người phụ nữ chia sẻ.
Chị Hương là một trường hợp mắc chứng trầm cảm sau sinh được TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương thăm khám mới đây.
Đáng nói, bệnh nhân rối loạn tâm thần phải giấu người thân, một mình đối mặt với bệnh tật lại là tình huống rất phổ biến.
“Trầm cảm lâu nay không có sao bây giờ nhiều thế?”
“Trầm cảm lâu nay không có sao bây giờ nhiều thế?”, BS Thu chia sẻ về một nhận định rất phổ biến hiện nay, khi các bệnh lý rối loạn tâm thần, điển hình như trầm cảm, được chẩn đoán nhiều hơn đáng kể so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, đây là nhận định mang tính chủ quan và vô tình gây tác động tiêu cực trong cuộc chiến với căn bệnh này.
BS Thu phân tích, tỉ lệ mắc trầm cảm tăng theo thời gian có nhiều yếu tố phức tạp và đa chiều. Cuộc sống hiện đại với áp lực công việc, kỹ thuật số, động lực xã hội, và cạnh tranh khốc liệt có thể làm gia tăng áp lực, kỳ vọng và stress lên mọi người, tăng cảm giác cô đơn, bất an và lo âu.
Mặt khác, nhận thức về sức khỏe tâm thần, tâm lý cũng tăng. Do đó nhiều người hiểu biết nhiều hơn, tăng tiếp cận dịch vụ và được chẩn đoán, góp phần tăng tỉ lệ ghi nhận và báo cáo.
“Không chỉ nhiều người mắc, mà nhiều người bệnh được phát hiện hơn”, BS Thu khẳng định.
Phần chìm của tảng băng dần lộ diện
BS Thu ví các bệnh lý về rối loạn tâm thần như một “tảng băng trôi”, khi số lượng bệnh nhân được phát hiện và điều trị bởi chuyên gia y tế là phần nổi của tảng băng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Một số người có thể hiểu lầm rằng bệnh tâm thần chỉ là một biểu hiện của sự yếu đuối, thiếu ý chí, hoặc “điên”, trong khi thực tế đó là một vấn đề sức khỏe tâm lý phức tạp và đa chiều.
Một số người gán nhãn và kỳ thị những người bệnh tâm thần, đặt những định kiến xã hội và giới hạn cơ hội của người bệnh, tạo ra rào cản cho việc tìm kiếm sự giúp đỡ và phục hồi.
Cho dù hiểu theo cách nào, bệnh tâm thần luôn tồn tại, rất phổ biến, hàng ngày âm thầm tàn phá sức khỏe, tàn phá cuộc sống của rất nhiều người. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, có thể kiểm soát. Điều trị bệnh tâm thần không chỉ là dùng thuốc, mà còn bao gồm cả liệu pháp tâm lý, tư vấn và hỗ trợ xã hội.
Theo BS Thu, các bệnh lý rối loạn tâm thần vốn dĩ luôn tồn tại với một tỷ lệ không hề nhỏ trong xã hội. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.
Trong số này, chỉ tính riêng trầm cảm, lo âu đã chiếm tới 5-6% dân số.
Tương tự, những hiểu lầm cũng xoay quanh vấn đề trầm cảm, ảnh hưởng đến khả năng nhận biết và điều trị hiệu quả.
Thường gặp nhất, mọi người có thể nghĩ rằng trầm cảm là một tình trạng tâm lý đơn giản, cảm giác buồn chán hoặc mất hứng tạm thời, mà ai cũng sẽ tự vượt qua theo thời gian.
Một số người cho rằng trầm cảm là dấu hiệu sự yếu đuối và đây là lý do khiến người bệnh ngại chia sẻ về tình trạng của mình hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số người xem trầm cảm như một vấn đề không đáng quan tâm, cho rằng người bị ảnh hưởng chỉ cần “mạnh mẽ lên” hoặc “tự khắc phục”.
Thậm chí, có xu hướng cho rằng vấn đề tâm thần là vấn đề cá nhân, không liên quan đến xã hội. Thực tế, xã hội, gia đình, và cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân.
“Bởi vậy, để giảm hiểu lầm và đối diện với vấn đề sức khỏe tâm thần một cách đúng đắn, cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm lý, sức khỏe tâm thần, khuyến khích sự thông cảm và hỗ trợ xã hội cho người bệnh tâm thần”, BS Thu chia sẻ.
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng là một cách giúp ta nâng cao chất lượng đời sống bên cạnh các hoạt động rèn luyện thể chất.
“Quan tâm đến sức khỏe tâm thần không chỉ cần thiết với người có vấn đề, mà còn rất quan trọng với tất cả mọi người để ngăn ngừa các vấn đề xuất hiện.
Hơn nữa, ưu tiên sức khỏe tâm thần không chỉ là việc làm cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng xã hội mà mọi người có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Những người mắc các chứng bệnh tâm lý nên ngay lập tức tìm sự giúp đỡ của chuyên gia, từ đó tìm ra phác đồ điều trị sớm nhất có thể”, chuyên gia này nhấn mạnh.