GiadinhNet – Nghiên cứu mới đây cho thấy, việc uống quá nhiều cà phê sẽ làm cản trở quá trình hồi phục thính giác sau khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Thường xuyên uống cà phê cũng có thể gây tổn thương thính giác vĩnh viễn.
Trong chương trình “Doctor is hot”, bác sĩ Trần Lượng Vũ, khoa tai mũi họng, bệnh viện Asia University Hospital, chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam là anh Tăng hiện đang là kiến trúc sư. Do tính chất công việc ngồi nhiều và ít vận động, anh Tăng thường uống cà phê để duy trì sự tỉnh táo trong thời gian dài.
Một hôm, vào giờ giải lao buổi chiều, anh Tăng quyết định chợp mắt một lát để hồi phục năng lượng. Nửa tiếng sau, cấp trên muốn cùng anh Tăng bàn bạc công việc nhưng gọi thế nào anh vẫn không tỉnh. Chỉ khi cấp trên đến bên cạnh lay dậy thì anh Tăng mới tỉnh giấc, nhưng lúc này, anh Tăng hoảng hốt phát hiện tai phải bị mất thính lực nên đã đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Trần Lượng Vũ giải thích: “Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh điếc đột ngột. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, tình trạng điếc đột ngột không gây ra thương tổn lâu dài. Tuy nhiên, ở trường hợp bệnh nhân có thói quen ngồi lâu, ít vận động, cộng thêm uống cà phê thay nước lọc sẽ khiến nồng độ máu trở nên đông đặc, gây ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu ở tai và dẫn đến bệnh điếc đột ngột”.
Tiêu thụ caffeine hàng ngày ngăn cản việc phục hồi những tổn thương của thính giác.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học McGill (Anh), tiêu thụ quá nhiều caffeine (thành phần trong cà phê) khiến thính giác khó hồi phục sau tổn thương tạm thời. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn cùng với tiêu thụ 25mcg/kg caffeine mỗi ngày, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thính giác”, Tiến sỹ Faisal Zawawi cho biết.
“Khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn, có thể gây suy giảm thính lực tạm thời. Quá trình này thường hồi phục trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi tiếp xúc với tiếng ồn, nhưng nếu các triệu chứng không giảm thì có thể gây điếc tai vĩnh viễn”, Tiến sỹ Zawawi bổ sung.
Trong nghiên cứu, nhóm của tiến sĩ Zawawi tiến hành thử nghiệm trên động vật. Họ cho chúng tiếp xúc với âm thanh lớn ở mức 110 decibel (dB) trong 1 giờ. Cường độ này bằng với âm thanh của một buổi hòa nhạc.
Một nửa động vật thí nghiệm được cho uống caffeine mỗi ngày, nửa còn lại thì không. Trong ngày đầu tiên, các nhà khoa học không phát hiện có sự khác biệt trong khả năng phục hồi thính giác của 2 nhóm.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 8 thì khả năng thính giác của nhóm uống caffeine kém hơn rõ rệt so với nhóm không uống. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống tối đa 3 ly cà phê mỗi ngày.
Đây là điều xảy ra với cơ thể nếu bạn có thói quen uống một cốc nước trước khi đi ngủ
Như Ca (tổng hợp)