GiadinhNet – Thấy khó chịu khi tiểu buốt, tiểu dắt, bà D đã tự mua thuốc kháng sinh uống. Tuy nhiên bà đã phải vào viện cấp cứu vì điều sai lầm này.
Chuyên gia nói gì về việc sau tiêm vaccine COVID-19 không có phản ứng phụ sẽ không có tác dụng bảo vệ?
Kháng kháng sinh vì tự điều trị viêm bàng quang
Suốt 20 ngày, bà N.T.D, 76 tuổi ở Hà Nội bị tiểu buốt, tiểu dắt thấy khó chịu đã tự mua thuốc kháng sinh uống. Uống 2 đợt thuốc kháng sinh không đỡ, bà đi khám ở một phòng khám tư nhân được chẩn đoán là viêm đường tiết niệu. Một tuần uống thuốc theo đơn không đỡ, bà đã vào bệnh viện kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ nghi ngờ tình trạng tiểu buốt, tiểu dắt của bà là do viêm bàng quang. Bệnh nhân đã được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm ổ bụng, tổng phân tích nước tiểu và cặn nước tiểu, nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu và kháng sinh đồ. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được kết luận viêm bàng quang do Ecoli đa kháng. Do bệnh nhân tự ý điều trị bằng kháng sinh tự mua nên dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh.
Trường hợp như bệnh nhân D chỉ là số ít trong nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý mua kháng sinh điều trị dẫn đến kháng kháng sinh phải nhập viện điều trị. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới, nước ta đứng đầu Đông Nam Á về tình trạng kháng kháng sinh, trong đó nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp (viêm bàng quang ở nữ giới) là hai tình trạng nhiễm khuẩn cộng đồng dễ bị lạm dụng kháng sinh nhất hiện nay.
Ảnh minh họa
BSCKI. Hồ Mạnh Linh – Chuyên khoa Thận tiết niệu (BVĐK Medlatec) điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết, viêm bàng quang cấp là bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng phổ biến ở phụ nữ (chiếm khoảng 95%) và có thể mắc tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn E.Coli, đặc biệt ở phụ nữ do cấu tạo của niệu đạo ngắn, lại gần hậu môn. Khi vệ sinh không đúng cách rất dễ vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính.
Người bệnh không phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính. Hơn nữa, nếu điều trị không dứt điểm dễ dẫn tới viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận), suy thận. May mắn, bệnh nhân D vào viện kịp thời. Sau 2 ngày điều trị nội trú, bệnh nhân đã hết tiểu tiện buốt dắt và xuất viện sau 7 ngày điều trị.
“Bệnh viêm bàng quang cấp cũng có thể gây nhiễm trùng huyết. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến biến chứng suy thận làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân” – BS Hồ Mạnh Linh cho hay.
Cần điều trị bệnh dứt điểm
Các chuyên gia cho biết, khi bị viêm bàng quang cấp người bệnh thường có biểu hiện như tiểu buốt, tiểu máu, nước tiểu có mủ ở cuối bãi, sốt nhẹ… Người bệnh có thói quen đi tiểu nhiều lần trong ngày, một số người không tự chủ được đi tiểu hay bị són.
Những trường hợp bị viêm bàng quang cấp thường, bệnh nhân có thể được kê kháng sinh và điều trị trong một thời gian ngắn là có thể khỏi bệnh. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần nên không được chủ quan. Người bệnh cần điều trị dứt điểm. Nếu để bệnh tái phát, dai dẳng lâu ngày sẽ dễ chuyển sang mạn tính và rất khó điều trị. Trong quá trình điều trị, dùng thuốc cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc theo đúng liều lượng, không tự ý tăng liều lượng hay tự ý bỏ thuốc,… Mọi người cần tránh tự ý mua thuốc điều trị để tránh kháng thuốc. Kháng sinh cần dùng theo đơn của bác sĩ, theo đúng liều lượng đã hướng dẫn.
Bệnh viêm bàng quang cấp tính ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người bệnh. Do đó, để phòng tránh bệnh, mọi người cần chú ý:
– Không nhịn tiểu, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng, nhu cầu uống nước tăng cao
– Vệ sinh khi đại tiểu tiện đúng cách, lau từ trước ra sau khi đi tiểu với nữ giới
– Tắm vòi hoa sen, hạn chế ngâm mình trong bồn tắm hay tắm dưới ao hồ, sông suối; Tránh sử dụng thuốc thụt rửa âm đạo hoặc thuốc vệ sinh phụ nữ dạng xịt
– Uống đủ nước, có chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng…
Hà My
9 ca dương tính mới liên quan đến quán cắt tóc gội đầu và Công ty Tân Á Hưng Yên