Những thói quen tổn thương thính lực mà chị em cần sửa ngay nếu đang mắc phải
Xì mũi không đúng cách
Chuyện xì mũi tưởng như vô cùng bình thường nhưng ít ai ngờ nó cũng là một trong những thói quen tổn thương thính lực. Chúng ta khi chảy nước mũi hoặc có nhu cầu xì mũi thường sẽ dùng hai ngón tay “bóp chặt” hai bên mũi và dùng sức khá mạnh. Tuy hành động này trông có vẻ chỉ liên quan đến mũi nhưng thực tế nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lỗ tai của bạn.
Thói quen xì mũi thiếu khoa học như vậy sẽ khiến nước mũi khó bắn ra theo đường lỗ mũi mà ngược lại dễ theo vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache, là môt ống thông nối giữa tai giữa và phần phía sau của mũi) mà tiến vào tai giữa, gây viêm tai giữa và tổn thương thính lực.
Vì vậy, cách xì mũi hợp lý là chỉ dùng ngón tay đè một bên lỗ mũi và dùng sức nhẹ nhàng cho bên mũi còn lại. Nếu nghẹt mũi hoặc sổ mũi nặng có thể dùng dung dịch nhỏ mũi và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoáy lỗ tai vô tội vạ
Bất kể bạn dùng ngón tay hay tăm bông hoặc cây lấy ráy tai v.v… thì việc ngoáy lỗ tai nếu không cẩn thận rất có thể làm tổn thương tai ngoài, thậm chí là sâu bên trong. Thói quen này lâu ngày có thể dẫn đến viêm tai ngoài, nghiêm trọng còn có thể bị điếc.
Lời khuyên cho chị em là nên thường xuyên dùng khăn ướt để làm sạch tai, giảm ráy tai sinh ra để không cần phải ngoáy tai nhiều. Khi cần tốt nhất vẫn là dùng tăm bông tiệt trùng để nhẹ nhàng làm sạch phần trong tai nhưng phải thận cẩn thận, tránh để người khác vô ý chạm vào khi bạn đang thực hiện động tác.
Thường xuyên đeo tai nghe
Hiện nay với công nghệ hiện đại của những chiếc điện thoại di động, ipad v.v… khiến nhiều người có thói quen tổn thương thính lực mà không hề hay biết, đó chính là đeo tai nghe quá lâu. Nếu âm thanh lại điều chỉnh quá lớn thì tác hại càng tăng lên, tần số âm cao sẽ dần dần làm tổn thương tế bào lông mao trong tai, gây giảm thính lực.
Nếu cần đeo tai nghe, bạn nên chỉnh âm thanh nhỏ một chút và không nên dùng lâu quá 30 phút. Ngoài ra, lý tưởng nhất vẫn là chọn loại tai nghe đặt ngoài tai, hạn chế dùng loại nhét trực tiếp vào trong tai để giảm ảnh hưởng bất lợi.
Nói chuyện qua điện thoại quá lâu
Khi chiếc điện thoại áp sát tai thì sóng điện từ phát ra càng dễ tổn thương thính lực. Chị em nếu có thói quen “tán gẫu” bằng những cuộc gọi lâu ngày sẽ xuất hiện tình trạng ù tai và đau nhức tai, nếu không hạn chế còn có thể làm suy giảm khả năng nghe bình thường.
Dung nạp quá nhiều thực phẩm béo và nhiệt lượng cao
Chế độ ăn uống không khoa học với các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và chỉ số nhiệt lượng cao sẽ gây nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến như mỡ máu cao, cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng độ dính của huyết dịch v.v… Cũng chính vì vậy, bên trong tai cũng sẽ không được cung ứng đủ máu, làm ảnh hưởng thính lực.
Chị em muốn giữ dáng và duy trì sức khỏe tốt nên có thực đơn ăn uống lành mạnh. Hạn chế những thực phẩm bất lợi và kết hợp đa dạng nhiều nguồn nguyên liệu trong mỗi bữa ăn, tăng cường rau củ quả thiên nhiên và giảm thịt mỡ, đồ ăn ngọt và béo.
Lạm dụng thuốc
Một thói quen tổn thương thính lực mà nhiều người cũng dễ mắc phải đó là lạm dụng thuốc. Điển hình như thuốc kháng sinh nếu sử dụng lâu dài và không hợp lý sẽ có tác hại cho sức khỏe toàn thân, trong đó có thính lực.
Ăn gì để tăng cường bảo vệ thính lực?
Nguyên tắc cơ bản chính là cân bằng ăn uống để tránh thiếu hụt dinh dưỡng. Chị em nên chú ý bổ sung nguyên tố sắt, có tác dụng phòng ngừa và làm chậm chứng ù tai, lãng tai ở người già. Một số thực phẩm giàu sắt mà bạn có thể lựa chọn như rong biển, tôm, mộc nhĩ đen, đậu đen, mè đen, rau mùi v.v…
Ngoài ra, chị em cũng nên kết hợp thực phẩm giàu kẽm như gan động vật, lương thực thô, hạt vỏ cứng, trứng, nghêu sò. Thành phần vitamin cũng rất quan trọng, trong đó đặc biệt là vitamin C và vitamin E có hiệu quả nâng cao Superoxide dismutase, cải thiện lưu thông máu, bảo vệ thính lực.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)