Theo dự báo thời tiết, miền Bắc đang bước vào thời kỳ nồm ẩm kéo dài. Khí hậu ẩm ướt, nóng lạnh thất thường lại là nguy cơ cho bệnh tật gia tăng…
Nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy dễ làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có rất nhiều bệnh dễ gặp trong thời tiết nồm ẩm.
Bệnh đường hô hấp
Thường gặp nhất là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi. Đặc biệt các chứng bệnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng gia tăng do sự nồm ẩm của thời tiết; do mùa xuân có nhiều phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi… là môi trường thuận lợi cho những người có cơ địa dị ứng sau khi tiếp xúc các dị nguyên trên thì dễ phát sinh bệnh tật. Bệnh viêm khí/ phế quản cấp cũng là một bệnh phổ biến vào thời tiết này. Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra. Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở.
Bệnh đường tiêu hóa: Mặc dù “tháng giêng ăn chơi’ đã qua, đây vẫn là khoảng thời gian có nhiều lễ hội, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Tây Thiên, lễ hội Yên Thế, lễ hội Đình Bảng… Đặc biệt, thành phần tham gia các lễ hội thì người lớn tuổi chiếm số đông, việc vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho lượng người đông đúc thường không được đảm bảo dễ dẫn đến hiện tượng bị ngộ độc, tiêu chảy. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu do nhóm virus đường ruột như rotavirus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.
Viêm nhiễm vùng kín
Thời tiết không khô ráo, quần áo luôn trong tình trạng “ẩm ẩm” là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển và sinh sôi. Đây cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các bệnh viêm da, dị ứng, viêm nhiễm vùng kín.
Rối loạn tâm thần người già: Tiết trời ẩm ướt khiến tinh thần con người dễ rơi vào tình trạng ủ dột hơn. Đặc biệt, người cao tuổi ở thời điểm này cộng thêm với sự phụ trợ của thời tiết khó chịu, dễ bị buồn rầu lo âu do con cháu sum vầy trong dịp tết nay lại ra đi xa, làm cho họ bị hụt hẫng về tình cảm. Nếu không giải tỏa hiện tượng tâm lý này người lớn tuổi dễ đi vào trầm cảm…
Tips phòng bệnh trong mùa nồm ẩm
Thời tiết nồm ẩm nhiều người phải đối mặt với tình trạng “khật khừ” do những căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa… Những người có khả năng miễn dịch yếu hơn như người già và trẻ em càng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế, chúng ta cần chuẩn bị thật tốt thể lực và chăm sóc không gian sống của mình, theo ThS.BS. Vũ Văn Thành (BV Phổi TW).
– Làm khô không gian sống: Với sự trợ giúp của các loại máy móc như máy điều hòa không khí, máy hút ẩm, máy sấy quần áo… không gian sống của chúng ta sẽ trở nên khô ráo, thông thoáng, sạch sẽ. Đặc biệt, khi tiết trời nồm ẩm, không nên mở cửa sổ mà nên đóng kín cửa trong suốt cả ngày. Máy sấy quần áo hoặc là quần áo trước khi mặc cũng là một biện pháp tốt để tránh tình trạng nấm mốc, phòng ngừa các bệnh ngoài da.
– Chú ý đến khả năng đề kháng của cơ thể: Thực hiện chế độ ăn uống, vận động khoa học: Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì vận động; Hoa quả và vitamin cũng là những biện pháp đơn giản mà hữu ích để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
– Kiểm soát bệnh mạn tính: Những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, hen suyễn, viêm khớp… cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, uống đúng và đủ theo đơn thuốc, có biện pháp kiểm soát tốt… không để các yếu tố môi trường kích hoạt sự phát triển của bệnh. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần tư vấn và khám bệnh tại các cơ sở y tế.
Theo Võ Hồng Thu (Tiền Phong)