Các “góc chết” tồn tại trong nhà ở chủ yếu do mảnh đất méo hoặc cấu trúc, hình dáng của ngôi nhà tạo ra và thường bị bỏ trống. Với những ý tưởng thiết kế mà Dothi.net chia sẻ dưới đây, bạn hoàn toàn có thể biến những góc phụ này thành khu vực chức năng tiện ích, đồng thời tạo điểm nhấn trang trí cho không gian sống.
Thế nào gọi là “góc chết” trong nhà ở?
Một ngôi nhà dù được thiết kế kỹ đến đâu cũng khó tránh khỏi những góc khó xử lý khi sắp xếp đồ nội thất, ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung của căn phòng hoặc bất tiện khi sử dụng hoặc không khai thác được. Đây chính là những góc phụ hay còn được gọi là “góc chết“.
Sự tồn tại của góc chết có thể xuất phát từ những lý do khách quan như hình dạng méo mó của khu đất hoặc hệ quả của các những góc xoay theo yêu cầu hướng phong thủy của gia chủ hoặc việc lắp đặt thiết bị và bài trí nội thất chưa thực sự hợp lý. Có những góc phụ được coi là hiển nhiên, không thể tránh khỏi ngay từ khi thi công như gầm cầu thang, khe hẹp sau cánh cửa, trần kỹ thuật, tầng áp mái…
Trong những năm gần đây, các gia đình đầu tư cho thiết kế nhà ở nhiều hơn, nhất là thiết kế nội thất. Theo đó, việc khai thác và giải quyết triệt để các góc chết trong nhà đã trở thành một xu hướng tích cực. Chẳng hạn, đối với gầm cầu thang, gia chủ thường bố trí thành tiểu cảnh xanh mát hoặc một phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ. Tủ âm tường, giá kệ trang trí, tượng điêu khắc, cây cảnh giúp che phủ những mảng tường bị lồi ra ngoài do cột bê tông. Những giải pháp này giúp cân bằng bố cục căn phòng và gia tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà bạn.
Việc xử lý các góc chết sẽ đỡ tốn kém và thuận tiện hơn khi sử dụng nếu gia chủ có sự tính toán khéo léo trước khi thiết kế nhà. Đồng thời, để mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất, khi tìm cách tận dụng, hóa giải các góc phụ trong nhà bạn phải làm thật khéo léo và tự nhiên.
Ý tưởng tận dụng các góc chết trong nhà
Thiết kế góc làm việc
Thay vì để trống góc tường ở gầm cầu thang hoặc trong phòng ngủ, bạn hoàn toàn có thể bố trí góc làm việc tại các vị trí này. Chủ nhân nên chọn thiết kế bàn ghế, giá kệ nhỏ gọn, kiểu dáng đơn giản và gắn trực tiếp lên tường để tiết kiệm diện tích. Đây là ý tưởng đáng để bạn tham khảo nếu sở hữu một ngôi nhà nhỏ hẹp, không thể có một phòng làm việc rộng rãi.
Gầm cầu thang cũng có thể trở thành không gian làm việc tại gia tiện nghi nếu bạn biết cách xử lý ánh sáng khéo léo. |
Góc làm việc thông minh dạng hộc tủ được bố trí gọn gàng ở góc tường. |
Bàn làm việc được thiết kế vừa khít với độ cong của bức tường. |
Mẫu bàn dạng tam giác có ngăn kéo phù hợp với những góc chết trong nhà. |
Bài trí góc đọc sách
Mỗi phòng trong nhà đều có một chức năng riêng nên không dễ để tìm được nơi bố trí góc đọc sách thoải mái. Trong trường hợp này, bạn hãy nghĩ tới các góc trống trong nhà. Góc trống gần bệ cửa sổ, gầm cầu thang, góc tường nhỏ ở sảnh giữa giữa 2 tầng, phần diện tích từ phòng nhìn ra ban công,… đều có thể trở thành nơi đọc sách lý tưởng.
Với góc đọc sách này, bạn vừa được thưởng thức những trang sách yêu thích, vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp bên ngoài. |
Kệ sách gọn gàng gắn ở góc tường trống cạnh cửa sổ thoáng sáng tạo điểm nhấn bắt mắt. |
Hẳn các bé sẽ thích mê góc đọc sách riêng tư, ấm áp dưới gầm cầu thang này. |
Góc thư giãn
Ngoài khu vực ban công hoặc hiên nhà, gia chủ cũng có thể tận dụng các góc chết trong nhà để bài trí thành góc thư giãn, nghỉ ngơi. Ý tưởng này giúp gia tăng diện tích sử dụng đối với những ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư nhỏ hẹp.
Sau một ngày dài bận rộn, bạn có thể thả mình thư giãn trên chiếc ghế võng treo cạnh khung cửa sổ thoáng sáng. |
Bài trí góc thư giãn cạnh cửa sổ với ghế gỗ dài là ý tưởng dễ áp dụng và phù hợp với những gia đình đông người. |
Gia chủ khéo léo tận dụng khoảng trống nhỏ dưới gầm cầu thang làm nơi thư giãn, đọc sách hướng tầm nhìn ra cảnh quan xanh mát bên ngoài. |
Góc nhỏ treo đồ
Nếu phòng ngủ chật hẹp không đủ chỗ để đặt tủ quần áo hoặc tủ quá nhỏ so với nhu cầu lưu trữ, bạn có thể sử dụng góc tường trống trong phòng để bố trí giá kệ treo đồ gọn gàng bằng cách đóng cố định giá treo hoặc sử dụng giá treo di động linh hoạt.
Góc treo đồ trong phòng ngủ chiếm rất ít diện tích và không hề tạo cảm giác chật chội, bí bức cho căn phòng. |
Với phòng ngủ nhỏ hẹp, bạn có thể tận dụng góc chết cạnh cửa ra vào phòng để treo quần áo. |
Bố trí giá kệ, tủ lưu trữ
Thực tế cho thấy, rất nhiều gia chủ đã khéo léo tận dụng triệt để gầm cầu thang, góc trống cạnh cửa ra vào nhà, khe hở giữa các đồ nội thất… để bố trí giá kệ lưu trữ tiện dụng, giúp ngôi nhà thêm phần gọn gàng, thoáng đãng. Tuy nhiên, so với giá hoặc kệ thì tủ đựng đồ linh hoạt hơn bởi bạn có thể đặt ở bất kỳ góc chết nào trong nhà mà không sợ ảnh hưởng tới tường khi cần thay đổi, sắp xếp lại.
Không chỉ là nơi lưu trữ sách báo, bày đồ trang trí, các mẫu giá kệ này còn tạo điểm nhấn bắt mắt cho không gian sống. |
Kệ hẹp và dài được gắn trực tiếp lên khoảng tường nhỏ, chứa những cuốn sách mà bạn yêu thích. |
Chủ nhân tận dụng khoảng hở nhỏ giữa nội thất với tường nhà để bố trí kiểu tủ hẹp gắn bánh xe chứa các hộp gia vị. |
Góc chết cạnh cửa ra vào có thể tận dụng làm nơi treo mũ nón, túi xách… gọn đẹp. |
Góc ăn uống
Theo các chuyên gia nội thất, dù ngôi nhà đã được thiết kế đầy đủ các không gian chức năng riêng biệt nhưng bạn không nên bỏ qua những góc trống. Gia chủ có thể bố trí bàn ăn sáng ở góc trống của sàn chuyển tiếp giữa hai tầng hoặc góc tường cạnh khung cửa sổ ngập tràn ánh sáng. Góc ăn sáng này sẽ giúp các thành viên trong gia đình thay đổi không khí, cùng nhau thưởng thức ly trà nóng mỗi sớm mai, mang đến niềm vui và sự hứng khởi mỗi ngày.
Những góc ăn sáng không hề chiếm nhiều diện tích hay ảnh hưởng tới bố cục chung của căn phòng. |
Thiết kế góc vui chơi cho trẻ
Nếu biết cách sắp xếp và trang trí khéo léo, góc chết trong phòng của trẻ sẽ trở thành “thiên đường” vui chơi cho các bé. Đơn giản nhất là bạn hãy thiết kế một túp lều nhỏ xinh để bé thỏa sức vui đùa, hát hò, đọc sách. Thậm chí, trẻ có thể thích “tổ ấm” này hơn cả việc nằm trên giường ngủ của mình.
Gầm cầu thang là cả một thế giới riêng, chứa đầy những bí mật đối với trẻ. |
Bố mẹ có thể trang trí góc trống trong phòng trẻ thành một “sân khấu” nhỏ để bé thể hiện trí tưởng tượng, sáng tạo. |
Thiết kế phòng vệ sinh nhỏ hoặc phòng kho
Ý tưởng này chỉ áp dụng với góc chết dưới gầm cầu thang. Với những cầu thang dài và rộng, chủ nhân có thể sử dụng khoảng trống dưới gầm để làm phòng kho, phòng kỹ thuật hoặc nhà vệ sinh. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo đủ sáng, thông gió cho căn phòng bằng các kiểu đèn phù hợp và lắp quạt hút gió. Đồng thời, cần lưu ý về chiều rộng cũng như độ cao của các thiết bị vệ sinh sao cho vừa vặn với kích thước phòng.
Đối với nhà vệ sinh nhỏ dưới gầm cầu thang, bạn nên tối giản hóa nội thất và đảm bảo đủ sáng, thống gió cho căn phòng. |
Ý tưởng tận dụng góc chết cầu thang làm phòng kho, phòng kỹ thuật hiện cũng được nhiều gia đình lựa chọn. |
Nhà cho thú cưng
Góc chết dưới gầm cầu thang khá chật hẹp và thường bị xiên chéo. Thế nhưng, nơi đây lại lạ không gian ngủ nghỉ lý tưởng cho thú cưng nhà bạn. Để phòng riêng của “người bạn bốn chân” trở nên bắt mắt hơn, chủ nhân có thể trang trí bằng những hình dán ngộ nghĩnh, thêm cánh cửa, một tấm nệm hoặc vải trải êm ái. Tuy nhiên, với ý tưởng này, bạn cần lưu ý tới vấn đề vệ sinh.
Góc ngủ nghỉ gọn gàng, đáng yêu của chú cún |
Bạn hoàn toàn có thể thiết kế một căn phòng nhỏ xinh, ấm áp dành cho thú cứng ngay bên dưới gầm cầu thang. |
Tạo điểm nhấn trang trí
Nếu không thích áp dụng 9 ý tưởng gợi ý ở trên, bạn có thể tạo điểm nhấn trang trí bắt mắt cho góc trống trong nhà. Một chậu cảnh kích cỡ phù hợp không chỉ khiến góc nhà trở nên sinh động hơn mà còn góp phần mang đến bầu không khí trong lành, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Lưu ý, bạn nên tránh chọn các loại cây nhỏ vì dễ bị khuất so với đồ nội thất. Cây có tán lá um tùm cũng không được khuyến khích bởi rất dễ tạo cơ hội cho côn trùng trú ẩn.
Ngoài ra, với những góc trống trong phòng khách, phòng làm việc, bạn có thể treo ảnh trang trí, đặt bình phong hoặc đèn chụp đứng hài hòa với tổng thể không gian chung.
Bên cạnh chức năng phân chia không gian, bình phong còn có thể trở thành điểm nhấn ấn tượng. |
Góc chết trong phòng khách là nơi lý tưởng để đặt đèn chụp đứng, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, vừa giúp không gian sang trọng hơn. |
Chậu cảnh xanh mướt điểm tô nét sinh động cho phòng khách tông trắng sáng chủ đạo. |
Thực tế cho thấy, việc khai thác triệt để từng góc trống trong nhà vừa giúp gia tăng diện tích sử dụng, tăng tính thẩm mỹ vừa thể hiện tình yêu của gia chủ đối với ngôi nhà của mình. Hy vọng rằng, với những gợi ý mà chúng tôi chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có thêm nhiều ý tưởng bài trí không gian sống thoáng đẹp hơn.
Theo Báo mới