Dưới nhãn quan nam giới, phụ nữ bị “tối giản” đi khi khắc họa về họ chỉ còn là những đặc điểm về cơ thể.
Khi còn là sinh viên Đại học Hà Nội từ những năm 2010, tôi đã khá bất ngờ khi lần đầu mới nhập học. Sinh viên trường tôi ăn mặc rất thoải mái, nhiều anh chị mặc váy ngắn, quần đùi đi học, bất kể xuân hạ thu đông. Bất ngờ không có nghĩa tôi phản đối, chỉ là bước chuyển từ môi trường cấp ba lên môi trường đại học với một học sinh tỉnh lẻ có phần hơi đột ngột.
Sau hàng chục năm trở lại trường, tôi thấy sinh viên trường tôi vẫn vậy. Các thầy cô không mấy khi có ý kiến về trang phục của sinh viên và việc học sinh mặc trang phục thoải mái, đặc biệt các bạn nữ, không có mối tương quan nào với thành tích học tập hay phẩm chất đạo đức của họ.
Thầy cô không có ý kiến, gia đình cũng chẳng lên tiếng công khai phản đối con cái mặc đồ ra sao, tại sao nam giới lại hay thích thể hiện quan điểm áp đặt lên phụ nữ từ nhãn quan của bản thân? Đó là một câu hỏi tu từ vì trên thực tế, đây không phải vấn đề mới. Lịch sử thế giới được viết lên bởi các chế độ phụ hệ như một dòng chính ngạch trong khi những câu chuyện nữ giới chỉ xuất hiện để điểm tô cho mạch truyện chính của văn minh nhân loại và trong nhiều câu chuyện, nữ giới đóng vai trò như đối tượng để phục vụ những mục đích lớn lao vĩ đại của nam giới, trong đó có cả những nhu cầu để ngắm và nhu cầu tình dục.
Chúng ta không cần bàn xa đến như vậy. Thế giới đã sang thế kỷ 21 rồi, chuyện phụ nữ ăn mặc như thế nào vẫn trở thành đề tài cho nhiều nam giới trong những câu chuyện phiếm với những lời lẽ bông đùa giễu cợt. Tôi hiểu rằng bình luận về ngoại hình hay trang phục không chỉ diễn ra với nam giới, nữ giới cũng có những thực hành tương tự. Nhưng nếu đây là một cuộc đua cả về số lượng lẫn sắc thái tiêu cực trong những bình luận, nam giới bỏ xa nữ giới để về đích trước. Nghiêm trọng hơn, nhãn quan của nam giới lên nữ giới mang nhiều sắc thái tiêu cực khi nó trở thành một vấn đề mang tính phổ quát, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người khi thậm chí nhiều người còn không nhận ra đấy là điều sai lầm. Đằng sau đó là rất nhiều những áp chế, định kiến lên phụ nữ chứ không đơn giản chỉ là vài lời nhận xét ngoại hình.
Khi một người nam giới lên tiếng với những câu như “Anh cho rằng con gái nên kín đáo một chút, nửa kín nửa hở trong một khuôn khổ vừa phải thì sẽ quyến rũ hơn”, họ đã có cho mình một “khung định hình” lên cách người bạn gái, vợ mình nên ăn mặc như nào. Không ít câu chuyện bạo lực gia đình đã nảy sinh vì những vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt như vậy. Ở chiều ngược lại, có khi nào những tiêu chuẩn của phụ nữ dẫn đến bạo lực gia đình hay những rào cản cho nam giới không? Tôi ít khi được nghe những câu chuyện như vậy.
Khi Laura Mulvey đưa ra khái niệm “male gaze” (nhãn quan nam giới) vào năm 1973 trong những phân tích về hình ảnh nữ giới trong điện ảnh, tôi tự hỏi không biết bà có nghĩ rằng một ngày khái niệm này sẽ trở nên phổ quát trong văn hóa đại chúng không. Male gaze đề cập tới việc nữ giới trong điện ảnh thường được đánh giá qua nhãn quan của nam giới, tập trung nhiều vào những vẻ đẹp hình thể hay nhu cầu tình dục.
Không khó để nhận ra rằng Male gaze vẫn tồn tại trong thế giới điện ảnh ngày nay. Ngay sau giải Oscars năm nay, Emma Stone – nữ diễn viên được giải Nữ chính xuất sắc nhất, được người ta chú ý bởi “đóng phim có nhiều cảnh nóng” trong khi ở hạng mục Nam chính xuất sắc nhất, Cilian Murphy giành chiến thắng vì nhập vai cha đẻ của bom nguyên tử.
Dưới nhãn quan nam giới, phụ nữ bị “tối giản” đi khi khắc họa về họ chỉ còn là những đặc điểm về cơ thể. Phụ nữ giống như những con búp bê được nam giới đưa ra những “gợi ý” về việc nên mặc đồ ra sao. Nhưng những gợi ý đó đưa ra giúp gì cho phụ nữ? Để không bị “trai khác nhìn”? Để tránh bị “xâm hại tình dục” (bởi nam giới)? Mặc đồ kín đáo hơn để nam giới yêu họ hơn? “Con trai nhìn con gái mặc hở chỉ thích chọc ghẹo thôi”?… Khó có thể nhìn thấy những lập luận phù hợp về việc tại sao phụ nữ “nên mặc đồ kín đáo” vì lợi ích của phụ nữ.
Không chỉ bị giản lược, tính chủ thể của phụ nữ dường như bị biến mất trong những câu chuyện như vậy. Tại sao những người phụ nữ trưởng thành không thể tự quyết được trang phục của bản thân?
Ở cả nam lẫn nữ, việc khái quát hóa vội vã đôi khi khắc sâu thêm định kiến giới: Nữ giới ăn mặc hở hang là hư hỏng, nam giới xăm mình là chơi bời lêu lổng, nữ giới kín đáo mới là người phụ nữ tốt, nam giới mạnh mẽ mới làm trụ cột cho gia đình. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng những bình luận về ngoại hình, trang phục mang tính vô thưởng vô phạt nhưng trên thực tế, càng có nhiều người đưa ra chung một nhận định chủ quan về một vấn đề, xã hội càng có niềm tin rằng đó là một sự thật. Tôi nghĩ trong công cuộc tạo ra bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội, việc tránh củng cố thêm những nhận định chủ quan, khái quát vội vã như vậy là điều cần thiết. Đáng buồn, phụ nữ thường là nạn nhân cho vấn đề này.
Nhiều nam giới không chủ đích đưa ra những lời nhận xét như một cách để hạ thấp vai trò của phụ nữ, tôi đồng ý với việc đó – nhận định nam giới dưới nhãn quan đơn tuyến như vậy cũng độc hại khi vô tình đẩy tất cả nam giới vào một nhóm những người chỉ quan tâm đến phụ nữ như một thực thể tình dục. Vô tình, không ít người đổ lỗi cho nạn nhân – đa phần là phụ nữ. Những khái niệm như quyền cơ thể, quyền tự chủ đôi khi có thể quá xa vời với đại chúng nhưng đổ lỗi cho nạn nhân là một vấn đề hiển nhiên hơn mà nam giới thực sự nên tránh, trong cả lời nói và nhận thức. Khi đánh giá những hành vi quấy rối tình dục, từ mức độ thấp như chọc ghẹo, chụp ảnh trộm cho đến các hành vi mang mức độ nghiêm trọng như hiếp dâm, điều chúng ta nên quan tâm là có một đối tượng phạm tội. Phụ nữ là nạn nhân của xâm hại tình dục vì có một đối tượng phạm tội (đa phần là nam giới) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật lên họ, không phải vì phụ nữ ăn mặc hở hang.
Thay vì dạy phụ nữ không nên mặc đồ hở hang, tôi nghĩ nam giới nên dành thời gian nói chuyện với những người nam giới khác không nên xâm hại phụ nữ dưới mọi hình thức. Trong một xã hội tiến bộ, phụ nữ không mặc đồ để nam giới đánh giá hay cần sự đồng thuận của nam giới.
Tôi không thích việc đánh giá người khác, đặc biệt đánh giá người khác ở vẻ bề ngoài, dù là bất kể nam hay nữ. Tại nhiều quốc gia, việc đưa ra những đánh giá về ngoại hình là một điều thô lỗ mà mọi người nên tránh. Bạn có thể không cần nghĩ tới những lý do sâu xa đằng sau những đánh giá về cơ thể phụ nữ, chỉ cần biết rằng mối quan hệ có thể rạn nứt hay công việc có thể bị ảnh hưởng (tưởng tượng một nhân viên nam đưa đánh giá về cách ăn mặc của sếp nữ), tôi nghĩ bạn nên dừng việc đó lại.
Ai cũng có quyền lên tiếng, nam giới cũng như phụ nữ. Điều quan trọng cần biết là giới hạn của việc lên tiếng, đặc biệt khi lên tiếng bình luận về trang phục của người khác. Bạn có quyền lên tiếng nếu hôm đó vợ bạn mặc một chiếc áo ngắn tay trong khi trời trở lạnh, bạn có quyền lên tiếng khi vợ bạn định mặc một chiếc áo không phù hợp để đi dự một tang lễ.
Trước khi lên tiếng đánh giá trang phục của phụ nữ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như: Điều mình định nói có thực sự cần thiết không? Điều mình định nói có củng cố thêm những định kiến về phụ nữ không? Mình có đang đổ lỗi cho nạn nhân không? Mình có đi quá giới hạn trong mối quan hệ này không nếu đưa ra nhận xét về việc họ ăn mặc hay cơ thể họ ra sao? Mình nghĩ cho họ hay mình nghĩ cho bản thân?
Và trước khi lên tiếng, hãy nhớ rằng cơ thể phụ nữ không phải bữa tiệc thị giác cho nam giới.
Theo Minh Đức (Phụ nữ Việt Nam)